NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Đăng vào 16/09/2020 23:26

Ngày 11/9/2020, Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học do GS.TS. Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp là chủ tịch đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp chủ nhiệm đề tài.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề mới phát sinh của thời đại, được xác định trong thời gian gần đây. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế văn hóa xã hội chỉ bắt đầu được đề cập nhiều từ năm 2017. Mặc dù vậy, nhiều công trình, hoạt động nghiên cứu khoa học khác nhau trên các lĩnh vực đề cập đến vấn đề này đã được công bố và lĩnh vực giáo dục và đào tạo không là ngoại lệ. Ở những góc độ khác nhau, các công trình khoa học đã nghiên cứu, làm rõ về các nội dung như bất cập hạn chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành tư pháp hiện nay và đưa ra các định hướng, chiến lược, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp trong điều kiện cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh đó, đề tài nghiên cứu khoa học Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu tổng quát là làm rõ những vấn đề lý luận về nội dung tác động, yêu cầu đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động giáo dục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nguồn nhân lực ngành Tư pháp và vị trí việc làm của ngành tư pháp; đánh giá đúng thực trạng chất lượng công chức, viên chức ngành tư pháp hiện nay; thực trạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp hiện nay, từ đó đề xuất định hướng và giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đề tài đặt ra các mục tiêu cụ thể như sau: (1) Làm rõ những vấn đề lý luận về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp trước yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể: Xác định các phương diện chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động giáo dục đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp;  Xác định những nội dung mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến hệ thống pháp luật Việt Nam; Xác định những nền tảng ứng dụng, bước đi, lộ trình thực hiện thông qua đúc rút kinh nghiệm từ một số quốc gia khác; Xác định cụ thể, chi tiết những yêu cầu, đòi hỏi về tiêu chuẩn, khung năng lực vị trí việc làm của nguồn nhân lực ngành Tư pháp phải đáp ứng trong thời đại công nghiệp 4.0. (2) Đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Tư pháp hiện nay trong mối quan hệ với yêu cầu, đòi hỏi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như: Đánh giá thực trạng đào tạo trình độ cử nhân luật và đào tạo, bồi dưỡng nghề các chức danh tư pháp trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả đánh giá tìm ra được ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của ưu điểm hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp hiện nay trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (3) Đề xuất các giải pháp nền tảng, giải pháp ứng dụng, điều kiện đảm bảo và lộ trình ứng dụng hiệu quả trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiến tới xây dựng hệ thống “Smart Education” trên nhiều phương diện.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu; đánh giá cao tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc của nhóm tác giả. Chủ tịch Hội đồng Hoàng Thế Liên đề nghị nhóm tác giả đề tài hoàn thiện thêm một số kết quả nghiên cứu theo ý kiến của các thành viên Hội đồng, đặc biệt chú ý phần lập luận cho các kiến nghị để tăng sức thuyết phục. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài nghiên cứu với đa số ý kiến đánh giá xuất sắc.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm cơ sở khoa học để các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật tham khảo trong việc xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, đề tài cũng đóng góp làm sáng tỏ những vấn đề lý luận; đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp hiện nay; đề xuất được các định hướng và giải pháp trong việc xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, đề tài cũng sẽ là tài liệu để các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý tham khảo, các cơ sở đào tạo pháp luật sử dụng làm tài liệu trong việc hoạch định chính sách, xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, cán bộ tư pháp phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là tài liệu có giá trị hỗ trợ cho việc hoàn thiện chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp tại Việt Nam và nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân thông qua tham gia thực hiện đề tài, đào tạo trên đại học; bồi dưỡng quá trình nhận thức của các cá nhân, tổ chức liên quan về nội dung, ý nghĩa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như những tác động trong đời sống kinh tế, xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tư pháp nói riêng.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đoàn Trung Kiên nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu và cảm ơn các tác giả đã dành tâm huyết nghiên cứu các vấn đề phục vụ cho đề tài. 

Nguồn: Học viện Tư pháp