Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay” (TN18/X07)

Đăng vào 25/09/2020 22:06

Ngày 24/9, tại Hội trường A.402, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức buổi họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu giải quyết tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay”. Đây là đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020” (Chương trình Tây Nguyên 4), do Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ quan Chủ trì, PGS.TS. Tô Văn Hòa là Chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở gồm có: GS.TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng; TS. Phạm Thu Thủy, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Thư ký Hội đồng; TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Phản biện 1; TS. Nguyễn Lâm Thành, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phản biện 2; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Phản biện 3; PGS.TS. Nguyễn Khắc Thái Sơn, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Ủy viên.

Tại phiên đánh giá, chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Tô Văn Hòa đã báo cáo các nội dung và kết quả nghiên cứu. Sau 24 tháng thực hiện, đề tài đã hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu đã đăng ký: công bố 8 bài nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành (vượt 3 bài); đào tạo 7 học viên cao học (vượt chỉ tiêu 5 học viên).

Hội đồng đã làm việc dựa trên tinh thần khách quan, minh bạch và đưa ra những nhận xét, góp ý quý báu cho chủ nhiệm đề tài. Nhận xét về đề tài, Hội đồng đánh giá tổng quan nghiên cứu có sự phân loại nhóm nghiên cứu hợp lý, tuy nhiên cần bổ sung, cập nhật cái nhìn dưới góc độ tài nguyên môi trường, văn hóa, dân tộc. Nhìn chung các sản phẩm đề tài có chất lượng, được nhóm tác giả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chiều sâu. Các khái niệm, thuật ngữ trong báo cáo thể hiện khá rõ ràng, đầy đủ; cấu trúc nội dung báo cáo tương đối phù hợp. Các kết quả điều tra, nghiên cứu sát thực, minh chứng cho nhiều nhận định đã có trước đây, góp phần củng cố cơ sở khoa học cho những định hướng chính sách. Đề tài đã góp phần xây dựng, đề xuất chính sách, những quy định cụ thể, hành lang pháp lý giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên. Kết quả, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu loại xuất sắc.

Một số hình ảnh của buổi họp: